Dạy con kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân là việc làm quan trọng giúp trẻ nâng cao trí tuệ cảm xúc.
Kiểm soát cảm xúc của bản thân giúp trẻ con không cư xử lỗ mãng, thiếu suy nghĩ trước mặt người khác, hay ở nơi công cộng… Điều này tác động rất nhiều đến việc hình thành nhân cách và sự trưởng thành của trẻ.
Nếu các bậc phụ huynh dạy trẻ kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân, điều này cho thấy những đứa trẻ của họ được dạy dỗ hiệu quả với những cách thức phù hợp. Vậy làm sao để nuôi dạy con biết cách kiểm soát cảm xúc của chính chúng? Tìm hiểu thêm qua 5 điều dưới đây.
5 điều giúp các bậc phụ huynh dạy trẻ biết kiểm soát tốt cảm xúc
1/ Cha mẹ phải là tấm gương
Phật giáo thường nói: “Kẻ tức giận là nô lệ của cảm xúc”. Muốn cho con không cáu kỉnh, trước tiên hành vi, thái độ của cha mẹ phải làm tấm gương sáng cho con.
Dù là trong cuộc sống thường ngày, đôi khi có nhiều chuyện dẫn đến người lớn cũng không thể nào bình tĩnh. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên cố gắng không nên trút giận hay nổi nóng vô cớ trước mặt con cái.
Và ngược lại, nếu cha mẹ hay nổi giận và quát mắng con theo kiểu “giận cá chém thớt”. Đứa trẻ thường sẽ xuất hiện phản ứng tương tự ở những lần sau và khi đã trưởng thành.
2/ Cha mẹ phải lắng nghe con cái
Lắng nghe con cái cho phép bố mẹ hiểu được rằng con đang suy nghĩ và muốn hành động điều gì. Từ đó, hiểu được lý do vì sao con tức giận.
Quá trình lắng nghe và chia sẻ giúp ba mẹ có thể cho con lời khuyên và yêu cầu con thôi giận dữ, bình tĩnh và yên lòng hơn.
3/ Đợi con bình tĩnh lại
“Đạo đức kinh” có nói rằng: “Tĩnh là chủ của động”. Tĩnh có thể khắc phục tính tình nóng nảy của con người, giúp người đó kịp thời khôi phục lại lý trí.
Bởi khi con trẻ nổi cơn cáu giận, muốn giảng giải lý lẽ với trẻ không phải là một chuyện dễ dàng. Vào lúc này, hãy để con trút hết cảm xúc giận dữ trước.
Đừng vội vàng chen vào cảm xúc của con. Rất có thể, bạn cũng trở nên nóng giận vì điều đó.
Khi cảm xúc của con đã bình thường lại, hãy cho con một khoảng thời gian để con bình tĩnh tự kiểm điểm bản thân. Sau đó, khi trao đổi với con, con cũng sẽ dễ tiếp thu hơn.
4/ Cha mẹ đừng vội giáo dục con
Thử nghĩ mà xem, nếu bạn gặp phải vài rắc rối, vừa mới bình tĩnh lại đã có một người ở bên cạnh liên tục nói đạo lý, liệu bạn có cảm thấy thoải mái không?
Hẳn là nhiều người sẽ không cảm thấy thoải mái, thậm chí còn cho rằng đối phương đang rao giảng đạo đức, chỉ trích mình. Lúc này hiển nhiên chúng ta cũng khó tiếp thu được lời người đó nói.
Cần để con được trút ra những ấm ức một cách đúng lúc, đồng thời thông cảm cho cảm xúc của con. Như vậy sẽ khiến con cảm nhận được rằng chúng ta không hề đứng ở phía đối lập với trẻ, sau đó mới lần lượt nói ra từng đề xuất của mình, như vậy sẽ khiến con dễ nghe lọt tai hơn.
5/ Cha mẹ phải nghiêm khắc với những ham muốn quá mức của con
Khác biệt lớn nhất giữa người và động vật là con người biết kiềm chế ham muốn của bản thân.
Thế nên trong một số vấn đề mang tính nguyên tắc, cha mẹ cần phải “nghiêm”, dù thế nào cũng không được nhượng bộ.
Từ khi con còn nhỏ, cha mẹ đã cần phải dạy con biết tự kiểm điểm, biết hiểu cho cảm nhận của người khác, như vậy con mới có thể kiềm chế ham muốn của mình đúng lúc, không thể cứ làm theo ý mình.
Ví dụ thỉnh thoảng đi đường, trẻ con khăng khăng đòi mua đồ chơi, cha mẹ không thể lựa chọn thỏa hiệp chỉ vì muốn dỗ dành con.
Đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành là một chặng đường dài và khó khăn. Tuy nhiên quãng thời gian đó cũng nuôi dưỡng những điều hạnh phúc, những sự gắn bó giữa cha mẹ và con cái.
Hy vọng với những điều được chia sẻ, các bậc phụ huynh có thể giúp con biết trưởng thành nhiều hơn, hiểu chuyện và ngoan ngoãn…