Lisa Feldman Barrett, nhà tâm lý học tại Đại học Harvard chỉ ra 6 nguyên tắc giúp trẻ nâng cao trí thông minh dành cho cha mẹ.
1. Để trẻ phát triển tự nhiên
“Be a gardener, not a carpenter” (tạm dịch: Hãy trở thành một người làm vườn, thay vì trở thành thợ mộc) là nguyên tắc đầu tiên bà Lisa Feldman Barrett hướng đến.
Nhà tâm lý học nhận định việc nuôi dạy con cũng giống như làm vườn, đứa trẻ cần được lớn lên trong môi trường tự nhiên, không bị ép buộc, gò bó.
Ví dụ, nếu muốn con trở thành một nghệ sĩ piano, bạn nên để trẻ tiếp xúc, làm quen dần để có cảm hứng, đam mê luyện tập. Cách tiếp cận kiểu “người làm vườn” sẽ khơi dậy niềm yêu thích mạnh mẽ bên trong mỗi đứa trẻ. Trái lại, cách tiếp cận kiểu “thợ mộc” có thể giúp trẻ có được kỹ năng tốt, nhưng không thể khơi dậy đam mê, thậm chí khiến trẻ chán ghét, dễ bỏ cuộc.
2. Trò chuyện thường xuyên
Nghiên cứu của Đại học Northwestern (Mỹ) chỉ ra ngay từ những tháng đầu chào đời, não bộ của trẻ hoạt động khi lắng nghe người khác nói chuyện, dù chúng chưa hiểu nội dung cuộc trò chuyện đó.
Vì thế, các nhà nghiên cứu khuyên cha mẹ nên trò chuyện cùng con thường xuyên để giúp trẻ nâng cao vốn từ vựng và kích thích khả năng tư duy.
Đặc biệt, người lớn nên dạy trẻ các từ vựng về cảm xúc. Khi đó, trẻ có thể biểu đạt cảm xúc của bản thân theo cách rõ ràng, cụ thể hơn. “Bạn hãy xem mình là hướng dẫn viên du lịch, giúp trẻ khám phá thế giới bí ẩn của con người thông qua những chuyển động và âm thanh”, bà Lisa nói với CNBC.
3. Trả lời các câu hỏi “Vì sao?”
Nhiều cha mẹ cảm thấy khó chịu khi trẻ liên tục đặt ra các câu hỏi “Vì sao?” cho mọi vấn đề trong cuộc sống. Thực tế, 3-12 tuổi là giai đoạn não bộ trẻ phát triển, các em luôn tò mò về những điều mới mẻ xung quanh nên muốn tìm câu trả lời cụ thể.
Cha mẹ nên bình tĩnh giải thích cụ thể từng vấn đề cho con, khi đó các em sẽ tiếp thu một kiến thức mới để hoàn thiện “cuốn bách khoa toàn thư” cho riêng mình.
Ví dụ, nếu không cho phép trẻ ăn kẹo, bạn hãy giải thích rằng con không nên ăn quá nhiều kẹo vì có thể gây sâu răng và béo phì. Khi đó, trẻ sẽ hiểu được vấn đề người lớn đặt ra và tránh tái phạm.
4. Tập trung vào các hành động cụ thể:
Các nhà nghiên cứu cho rằng cụ thể hóa các hành động sẽ giúp trẻ nhận thức rõ hơn về những điều nên và không nên làm.
Ví dụ, khi trẻ đánh nhau, thay vì nói “Con là một đứa trẻ hư”, cha mẹ nên nói “Con không nên đánh em, điều này có thể khiến em khó chịu, tổn thương”. Tương tự với những lời khen, thay vì khen con ngoan, bạn hãy tập trung khen ngợi hành động của trẻ. Cách làm này sẽ giúp trẻ xây dựng bộ khái niệm về cách hành vi tốt/xấu, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân.
5. Khuyến khích trẻ bắt chước
Trong trường hợp này, cha mẹ nên thực hiện những hành động tốt, lành mạnh để trẻ làm theo, từ đó tạo thói quen lâu dài. Ví dụ, khi làm việc nhà, tập thể dục, đọc sách, nấu ăn, bạn nên làm trước mặt con và có thể cung cấp dụng cụ để trẻ làm cùng.
Nếu trẻ tò mò, các em sẽ bắt đầu quan sát và làm theo từng động tác, cử chỉ của cha mẹ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý cha mẹ không nên thể hiện thói xấu hoặc có những hành động không đúng mực khi ở cùng con, tránh để con bắt chước.
6. Cho trẻ tiếp xúc với nhiều người
Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được tiếp xúc với bạn bè ở nhiều độ tuổi, tính cách, giới tính, chủng tộc khác nhau có khả năng ngôn ngữ và ghi nhớ mạnh mẽ hơn bình thường.
Đặc biệt, nếu được tiếp xúc với nhiều người khi còn nhỏ, các em sẽ học cách ghi nhớ khuôn mặt, phân biệt giọng nói của từng người. Điều này giúp não bộ của trẻ hoạt động liên tục, đồng thời nâng cao khả năng phân loại, sàng lọc thông tin.
Tuy nhiên, cha mẹ cần cho trẻ tiếp xúc với người khác ở phạm vi an toàn, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
Minh Thúy
Nguồn: Zingnews.vn